Doanh nghiệp vận tải biển đồng loạt “kêu” thua lỗ
Đại diện của Công ty vận tải Biển Đông cho biết: Hiện nay, trong dịch vụ vận tải biển có phát sinh dịch vụ vận tải biển từ cảng nước ngoài đi cảng nước ngoài. Theo Luật quy định, dịch vụ này vẫn không được là “vận tải quốc tế” nên không được hưởng thuế suất là 0%. Điều này vô hình trung đã đẩy giá thành vận tải của DN lên cao, làm giảm tính cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích DN.
Ngoài ra, trong đặc thù vận tải biển quốc tế thường có phát sinh chi phí ngoài lãnh thổ Việt Nam như chi hoa hồng môi giới, thưởng giải phóng tầu nhanh (các chi phí này ghi rõ trong hợp đồng vận tải) nhưng không có hóa đơn của người nhận tiền (đa phần chỉ được 2 bên đối chiếu, xác nhận bằng thư điện tử); do vậy chưa đủ điều kiện để chấp nhận là chi phí hợp lý, hợp lệ theo qui định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính và của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang hạch toán các khoản chi phí trên trong chi phí tính thuế, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đề nghị được qui định, hướng dẫn rõ hơn về nội dung này trong các văn bản qui định về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh những bức xúc trên, đại diện này còn yêu cầu phải có chính sách “bảo hộ” cho vận tải biển nội địa bằng cách: không chấp thuận sự tham gia của các công ty nước ngoài, tàu treo cờ nước ngoài đang tham gia hoạt động kinh doanh trong thị trường vận tải nội địa. (bởi trên thế giới, không có quốc gia nào cho phép các hãng tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa)
Ông Bùi Việt Hoài, Giám đốc Công ty CP vận tải biển Việt Nam (Vosco) nêu lên vấn đề chênh lệch tỷ giá khi các DN vận tải biển đầu tư trẻ hóa đội tàu chủ yếu bằng USD, vì thế những biến động do chênh lệch tỷ giá trong thời gian qua đang là gánh nặng đối với một số DN vận tải biển.
“Nên để DN được hoạch toán phần chênh lệch tỷ giá theo số tiền trả nợ hàng năm để giảm gánh nặng về tài chính. Đây là khó khăn khiến nhiều DN đang loay hoay trong việc thực hiện trẻ hóa đội tàu của mình” - ông Hoài đề xuất.
Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thuyền viên, ông Hoài cho rằng: Do lao động trên các tàu biển viễn dương là lao động đặc thù, làm việc trong môi trường độc hại, nhiều rủi ro, lại thiếu thốn tình cảm khi phải xa gia đình… vì thế các DN vận tải biển phải trả lương cao cho họ. Tuy nhiên, mức tính thuế TNCN hiện nay là chưa phù hợp khiến các DN vận tải biển khó giữ được lực lượng lao động của mình. Vì thế, Nhà nước nên cho phép ngành hàng hải được vận dụng cách tính lương miễn thuế phù hợp với đặc thù của ngành.
Hàng loạt các kiến nghị từ phía các DN vận tải biển mong muốn được được Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Cục hàng hải VN tạo cơ chế hơn nữa để DN có thể vượt qua khó khăn và giải quyết những vấn đề cấp bách như: tiền lương, thuế, ứng vốn để nâng cấp đội tàu…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn